Trịnh Cung Gallery
PHÒNG TRANH & XƯỞNG VẼ TRỊNH CUNG
Thảo Điền, Sài Gòn, Việt Nam, 2022
Một phòng tranh và xưởng vẽ rộng 60m2 vừa được cải tạo lại từ một căn hộ hai phòng ngủ nằm trong một toà nhà chung cư cao tầng. Chủ nhân của phòng tranh là họa sỹ Trịnh Cung, người quyết định quay về quê hương sau nhiều năm sống ở nước ngoài. Giải pháp thiết kế được xây dựng dựa trên ba ý tưởng chính: trật tự hình học; động và tĩnh; sáng và tối.
Trật tự hình học:
Sau khi tháo dỡ tất cả các tường ngăn, trần giả, gạch ốp lát và vật dụng, mặt bằng hiện trạng phát lộ ra như một hình vuông hoàn hảo với kích thước 7m x 7m cùng với ba hình chữ nhật nhỏ nằm ở các góc tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Một “trật tự hình học” sơ bộ đã được tìm ra: hình vuông lớn được phân chia thành bốn hình vuông nhỏ, ba trong số đó dành cho không gian trưng bày chính trong khi khu vực bếp và phòng tắm lấp đầy hình vuông còn lại. Các đường chéo của hình vuông được bổ sung như những trục tường ngăn chia nằm trong “trật tự hình học” chung. Cùng lúc đó, ba hình chữ nhật nhỏ cũng là nơi diễn ra các hoạt động cần thiết khác của chủ nhà, bao gồm sáng tác, gặp gỡ, thư giãn, và nghỉ ngơi.
Động và tĩnh:
Những phòng tranh điển hình thường được thiết kế như một không gian bất biến với những bức tưởng cố định được sơn màu trắng để treo tranh. Tuy nhiên, ở dự án nhỏ này, chúng tôi tìm kiếm một giải pháp thiết kế mang nhiều tính thử nghiệm hơn. Sáu vách ngăn xoay quanh trục đứng có chốt khoá được sắp đặt dựa trên “trật tự hình học” thay cho các bức tường cố định thường thấy. Các khung tranh được treo lên những vách ngăn di động và cả các bức tường bao cố định trong một không gian trưng bày có tính vận động và thay đổi liên tục, thích ứng đồng thời với kiểu trưng bày thông thường cũng như các triển lãm theo chủ đề. Dòng lưu chuyển và sự linh hoạt của không gian giúp tăng cường những trải nghiệm và cảm xúc mới lạ cho khách viếng thăm và cả lão hoạ sỹ, người khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi di chuyển bộ giá vẽ của mình vòng quanh nhà từ khu vực xưởng vẽ đến một góc phòng sát ban công hoặc ra ngay giữa gian trưng bày.
Sáng và tối:
Giải pháp bố trí và chi tiết vật liệu cũng lấy cảm hứng từ sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối trong hội hoạ và kiến trúc. Các khu vực xưởng vẽ, tiếp khách, thư giãn và nghỉ ngơi được bố trí ở các rìa bên ngoài tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào ban ngày trong khi không gian trưng bày bên trong tối hơn và được chiếu sáng bởi hệ đèn ray gắn trần. Khoảng trống dưới chân và trên đầu các vách xoay giúp đưa ánh ánh sáng tự nhiên gián tiếp vào không gian trung tâm mà không gây hại cho tranh. Những bức vách xoay sơn màu trắng mịn tương phản với sàn gỗ tối màu bên dưới, các bức tường xám xung quanh và cả trần bê tông thô ráp bên trên, để rồi tất cả lại kết hợp hài hoà với nhau như một bức phông nền lớn tôn lên cuộc chơi của ánh sáng và bóng tối trong những bức tranh.
Phòng tranh và xưởng vẽ Trịnh Cung trưng bày những sáng tác đắc ý nhất cũng như những tác phẩm mới sắp tới của ông. Đây cũng là nơi chốn thân mật mà ông gặp gỡ gia đình, bạn bè thân thiết, cùng với những người thưởng lãm. Không gian này cùng với những tác phẩm cuối của người họa sỹ 84 tuổi sẽ trở thành di sản mà ông để lại cho đời và cho người, như lời ông đã từng xúc động bộc bạch với chúng tôi vào những ngày đầu: “Tôi muốn về ngủ giữa tranh tôi”.